SO SÁNH MÀNG CO NHIỆT VÀ MÀNG CĂNG

 

Trong phân loại chức năng sử dụng bao bì, màng co bọc sản phẩm - thường được gọi là màng co nhiệt (shrink wrapping) và màng căng (stretch wrapping) - được sử dụng khá phổ biến và rộng rãi trên toàn thế giới.

Đối với màng co nhiệt thì người sử dụng phải cung cấp nhiệt để quá trình co xảy ra. Còn màng căng không cần cung cấp nhiệt trong quá trình sử dụng. Bề ngoài nhìn có vẻ giống nhau nhưng thực tế giữa 2 loại bao bì này có điểm khác nhau cơ bản về nguyên liệu và cơ chế sử dụng.

Cả 2 loại màng trên đều có thể dùng để đóng gói sản phẩm riêng lẻ hoặc dạng khối. Ngoài ra, màng co nhiệt cũng được dùng nhiều trong ứng dụng làm nhãn ống - labeling (bọc các vật chứa như chai, lọ, hộp..

Để sản xuất ra các loại màng như trên, nguyên liệu là yếu tố rất quan trọng. Nếu dùng không đúng nguyên liệu thì khả năng co (hoặc căng) để đóng gói sản phẩm sẽ không được như ý. Do đó, đòi hỏi các nhà gia công phải nắm rõ đặc tính kỹ thuật của nguyên liệu sử dụng đồng thời được sự hỗ trợ kịp thời của nhà cung cấp nguyên liệu.

NGUYÊN LIỆU

Cả 2 loại màng này cũng khá phức tạp trong cấu trúc. Nguyên liệu sử dụng chủ yếu là nhóm polyolefin – được tổng hợp từ các chế phẩm của dầu mỏ - qua quá trình polymer hóa. Cụ thể, các nguyên liệu thường thấy là PE (poly-ethylene), PP (poly-propylene) và PVC (poly-vinyl-chloride).

  • PP ít được sử dụng so với PE vì nó cứng hơn, có điểm nóng chảy cao hơn và ít ổn định khi co. PP được sử dụng làm màng co bao bọc các máy móc cỡ lớn hoặc những sản phẩm co độ co phù hợp theo tính chất của màng co PP.
  • PVC là vật liệu có tỉ trọng cao. Ở Châu Âu và Mỹ, hầu hết polymer sử dụng đều bị đánh thuế môi trường theo trọng lượng, đôi khi PVC còn bị cấm sử dụng. Tuy nhiên, ở các quốc gia khác thì nó là nguyên liệu phổ biến vì đặc tính trong suốt của màng co PVC. Đây là 1 tiêu chuẩn quan trọng đáp ứng yêu cầu mỹ quan của sản phẩm hàng tiêu dùng.
  • PE là nguyên liệu phổ biến nhất để sản xuất màng co nhiệt / màng căng vì nó khá rẻ, có thể sản xuất ở nhiều tỉ trọng khác nhau, đáp ứng nhiều tính chất với các phụ gia chức năng khác nhau. Loại nhựa PE chính để sản xuất màng co nhiệt là LDPE cùng với LLDPE, đôi khi cũng có xuất hiện một ít HDPE. Ngoài chủng loại, diên tích riêng của màng cũng rất được quan tâm. Diện tích riêng là số met vuông màng từ 1 kg vật liệu theo độ dày cho trước. Đơn vị độ dày màng thường là micron (µm) – 1 micron bằng 0.001mm. Ở Hoa Kỳ dùng đơn vị mil – 1 mil tương đương 25 micron, ở các nước thuộc Anh dùng đơn vị gauge – 100 gauge tương đương 25 micron.

ĐIỂM MẠNH VÀ ĐIỂM YẾU

Điểm mạnh:

So với màng co nhiệt, màng căng tiết kiệm năng lượng, không cần nhiên liệu.

So với dây đai : không bị ảnh hưởng bởi góc cạnh sản phẩm, ngăn ngừa sự cắt – đè nén sản phẩm. Có thể điều chỉnh được lực siết bằng cách tác động lên độ giãn theo chiều ngang của màng. Màng căng cũng bảo vệ sản phẩm tốt hơn dưới tác động bất lợi của môi trường, có thể sản xuất các loại màng trong hoặc có màu để nhận diện sản phẩm hoặc chống thất thoát. Một ưu điểm nữa là màng căng có thể giúp chống lại tốt hơn các chấn động và rung lắc do sở hữu đặc tính dẻo dai.

Điểm yếu:

Màng căng kháng ẩm kém hơn (so với màng co nhiệt), nên đặt thêm 1 tấm (hoặc màng) lên trên vật cần quấn để tăng thêm tính an toàn trước khi quấn màng căng. Tính chất “dính” của màng căng cũng gây trở ngại khi chồng các sản phẩm lên nhau và dễ trầy sướt. Màng căng không dùng để nén pallet theo chiều thẳng đứng vì lực căng chỉ tác động theo phương ngang (cùng chiều quấn).